Sáng ngày 13/04/2023, Trung tâm kỹ năng số AC phối hợp với Trường Mầm non Thị Trấn Nghĩa Đàn tổ chức Chuyên đề Giáo dục kỹ năng sống “Phòng tránh bị bắt cóc”. Về dự buổi chuyên đề có đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Đàn, tập thể cán bộ, giáo viên và các bạn nhỏ nhà trường, cùng ban đại diện hội phụ huynh nhiệt tình tham dự.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng theo sát và bảo vệ con 24/24. Trong khi ở độ tuổi mầm non, các con chưa tự ý thức về cơ thể của mình, trẻ không biết rằng cơ thể con là bất khả xâm phạm và không ai có quyền làm cho con thấy bất an. Con bị bắt cóc là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất với bất kì ông bố bà mẹ nào. Một đứa trẻ bị bắt cóc khi đang đi trên đường bởi một người hoàn toàn xa lạ giờ đây không chỉ là những hình ảnh trên phim nữa, mà xảy ra ngày càng nhiều trên thực tế. Chính vì vậy, việc chủ động trang bị kỹ năng cho trẻ để phòng tránh bị bắt cóc là điều rất cần thiết.
Buổi chuyên đề được các bạn nhỏ hào hứng tham gia, với những thông điệp đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ giúp các em nhanh chóng nắm được những kiến thức, kĩ năng cơ bản về phòng, chống bắt cóc trẻ em. Chương trình diễn ra trong không khí sôi nổi, thoải mái. Các em tham gia phát biểu và tích cực trả lời các câu hỏi tình huống của chương trình.
Kết thúc chương trình, các em hiểu được rằng người xấu có thể là bất kỳ ai, luôn cảnh giác và trang bị những kỹ năng cần thiết để bản thân không rơi vào tình huống nguy hiểm:
1. Luôn nghe lời dặn của bố mẹ, thầy cô. Không tự ý ra khỏi nhà, khỏi trường; Khi đi ra ngoài luôn đi theo sát bố mẹ/người thân, không chạy nhảy lung tung vì rất dễ lạc và bị người lạ bắt cóc
2. Tuyệt đối, không nhận quà của người lạ, không ăn đồ ăn người lạ cho, không đi theo người lạ vì bất cứ lí do nào
3. Nếu người lạ, cầm tay mình, lôi/kéo/bế mình đi, chúng mình hãy kêu cứu thật to, đồng thời chân tay giãy giụa, cắn đá họ thật đau để tạo sự chú ý cho những người xung quanh đến giúp chúng mình khỏi người lạ.
4. Tuyệt đối không mở cửa cho người lạ
5. Luôn ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân
6. Ghi nhớ số điện thoại cảnh sát 113, số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ trẻ em 111
Đối với bất kỳ kỹ năng nào, sau khi được học đều phải thực hành và luyện tập mỗi ngày, bố mẹ có thể đóng vai và tự xây dựng các tình huống để con thực hành và tự đối phó với vấn đề đó nhé!